Lượt xem: 1175

Nông dân Trần Văn Sơn phát triển kinh tế từ mô hình nuôi heo rừng

Sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, nên nông dân Trần Văn Sơn ở ấp Phước Thọ B, Xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú luôn phấn đấu, nỗ lực để vươn lên. Từng cố gắng, rồi cũng đã từng thất bại với bao khó khăn, thử thách, nhưng không vì thế mà dập tắt được ý chí của lão nông chân chất này. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cuối cùng, ông cũng đã thành công với mô hình nuôi heo rừng.

 


Nông dân trần Văn Sơn đang giới thiệu về quá trình ấp trứng ba ba.

 

    Hơn 3 năm trước, với số vốn vỏn vẹn chỉ hơn 5 triệu đồng, ông Sơn đã bàn bạc với vợ mua 4 con heo rừng đầu tiên về nuôi. Chịu khó học hỏi cách nuôi heo rừng từ những người đi trước và tìm hiểu kỹ đặc tính, bản năng của loài động vật hoang dã này, nên ông cũng khá yên tâm. Ngay từ lứa đầu tiên, đàn heo của ông phát triển tốt ngay cả khi nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Theo ông Sơn, những năm qua trong khi người nuôi heo thịt lo lắng vì giá cả, thì nuôi heo rừng an tâm hơn vì chi phí nuôi thấp hơn, lại có thị trường tiêu thụ riêng, từ đó ông tiếp tục đầu tư và mở rộng chuồng nuôi để nhân đàn lên hơn 30 con như hiện nay. Ông Sơn chia sẻ: “Tôi thấy con heo rừng nó nhỏ con nên ăn ít hơn, tôi thường đi cắt rau và cho nó uống nước cám thêm. Mô hình này rất thích hợp với những hộ nghèo, cận nghèo vì chi phí đầu tư ban đầu thấp mà lại có lợi nhuận cao”.

    Để việc nuôi heo rừng được duy trì và từng bước phát triển bền vững, trong chuồng heo rừng của ông Sơn lúc nào cũng có 5 con heo mẹ, cùng với đàn heo thịt từ 20-25 con và một con heo đực giống. Ông Sơn cho biết, trung bình một năm, mỗi con heo mẹ sinh sản 02 lứa, mỗi lứa từ 5 đến 8 con, có những lứa từ 9 đến 12 con. Heo thịt nuôi thời gian khoảng 7-9 tháng thì có thể xuất bán với trọng lượng mỗi con đạt từ 15 đến 20 kg, mỗi kg là 150 ngàn đồng, còn đối với con heo giống mỗi kg là 200 ngàn đồng. Ngoài ra, ông còn thực hiện mô hình nuôi ba ba sinh sản, thực hiện ấp trứng theo kiểu truyền thống, nhưng vẫn đáp ứng nguồn con giống chất lượng ra thị trường, với số tiền thu được từ việc bán ba ba giống hằng ngày, ông sử dụng mua thức ăn cho heo để lấy ngắn nuôi dài. “Ba ba giống thì tôi bán mỗi con là 2.500 đồng, một ngày tôi bán được hơn 100.000 đồng, giờ lấy tiền này mua cám nuôi heo mỗi ngày, sau này heo lớn bán heo thì lấy lại lợi nhuận”.

    Tuy mới chỉ là bước đầu, nhưng việc chăn nuôi heo rừng đã được một số hộ nông dân ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú thử nghiệm và thành công. Đặc điểm của heo rừng vẫn còn đặc tính hoang dã nên dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc lại có sức đề kháng tốt, có thể nuôi nhốt như heo thuần hoặc bán hoang dã, mô hình này đang phát triển khá tốt tại địa phương.

    Đồng chí Lý Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỹ Tú cho biết: “Mô hình nuôi heo rừng chỉ cần nắm vững kỹ thuật nuôi cùng với sự kiên trì là có thể mang đến hiệu quả kinh tế cao. Ngoài việc đầu tư vốn thấp, nuôi heo rừng còn có thể tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp như cỏ, rau xanh... giúp tiết kiệm tối đa chi phí trong chăn nuôi, do đó mô hình dễ áp dụng với nhiều hội viên, nông dân”.


Mô hình nuôi heo rừng của nông dân Trần Văn Sơn

 

    Cuộc sống dần ổn định hơn, ông Trần Văn Sơn cũng an tâm phần nào về quyết định chọn con heo rừng để phát triển kinh tế gia đình. Với thành công ban đầu, mô hình nuôi heo rừng của vợ chồng ông Sơn được xem là một bước phát triển chăn nuôi đột phá, thay đổi tư duy chăn nuôi của người dân ở địa phương.

Đoan Trang



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 8304
  • Trong tuần: 79,011
  • Tất cả: 11,802,331